4.1. Mục tiêu điều trị
– Phòng ngừa viêm tụy cấp: Một trong các nguy cơ cao trên lâm sàng là khi TG tăng quá cao có thể gây viêm tụy cấp. TG cao chiếm tới 10% trong các nguyên nhân gây viêm tụy, đặc biệt khi TG tăng cao trên 10 mmol/l (880 mg/dl). Nhiều trường hợp xảy ra viêm tụy ngay cả khi TG chỉ 5-10 mmol/l (440-880 mg/dl).
– Phòng ngừa biến cố tim mạch: Có các phân tích ghi nhận rằng điều trị tăng TG bằng Fibrate có thể làm giảm 13% các biến cố tim mạch chính, chủ yếu là biến cố động mạch vành và lợi ích của Fibrate thể hiện rõ hơn khi TG
>2,3 mmol/l (~200 mg/dl). Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa chứng minh được là Fibrate làm giảm được tỷ lệ tử vong chung.
4.2. Chỉ định điều trị
– Khi TG ≥ 500 mg/dl: Dùng thuốc giảm làm TG phối hợp với các biện pháp thay đổi lối sống với mục đích phòng ngừa viêm tụy cấp.
– Khi TG từ 200 – 499 mg/dL: tính non-HDL-C và điều trị theo mục tiêu non-HDL-C (xem phần điều trị rối loạn Lipid máu hỗn hợp).
– Khi TG từ 150 – 200 mg/dl: điều chỉnh lối sống qua chế độ luyện tập và qua chế độ ăn kiêng, giảm cân nặng, bỏ hút thuốc lá…
Chú ý: Đa số các khuyến cáo về điều trị rối loạn Lipid máu của Hoa Kỳ đều không xem TG là một mục tiêu điều trị trong việc làm giảm biến cố của bệnh tim mạch do xơ vữa.
4.3. Điều trị bệnh nhân có Triglycerid cao và HDL-C thấp
Bảng 12. Khuyến cáo dùng thuốc điều trị Triglycerid cao
Khuyến cáo
Nhóm
Mức chứng cứ
Khuyến cáo dùng Fibrate
I
B
Axit béo n-3
IIa
B
Statin + Fibrate
IIa
B
Có thể xem xét kết hợp Fibrate với Axit béo n-3
IIb
B
Bảng 13. Khuyến cáo điều trị HDL-C thấp
Khuyến cáo
Nhóm
Mức chứng cứ
Statin và Fibrate làm tăng HDL-C gần như nhau, có thể xem xét dùng
IIb
B
Hiệu quả làm tăng HDL-C của Fibrate có thể nhiều hơn ở bệnh nhân ĐTĐ
IIb
B
5. Điều trị rối loạn Lipid máu hỗn hợp
Cho đến nay, trong điều trị rối loạn Lipid máu, Statin vẫn là thuốc chọn lựa hàng đầu cho cả mục tiêu LDL-C và non-HDL-C, tuy nhiên khi không đạt mục tiêu hay kết quả điều trị hạ Lipid bằng Statin không như kết quả của khuyến cáo hay không dung nạp liều cao thì cần xem xét phối hợp thuốc, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
Sự phối hợp Statin và Ezetimibe đã có bằng chứng tốt qua nghiên cứu SHARP và IMPROVE IT (I, B).
Sự phối hợp Statin và những loại thuốc khác để cải thiện thêm mức LDL-C hay TG hay HDL-C thì bằng chứng từ các nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng còn hạn chế (IIb, C).
Bảng 14. Khuyến cáo điều trị rối loạn Lipid máu hỗn hợp
Khuyến cáo
Nhóm
Mức chứng cứ
Trong rối loạn Lipid máu hỗn hợp, Statin vẫn là liệu pháp hàng đầu, khi không đạt mục tiêu LDL-C và non-HDL-C thì nên xem xét phối hợp thêm thuốc thứ hai.
IIb
C
Phối hợp Statin + Fibrate có thể ưu tiên xem xét, đặc biệt khi có HDL-C thấp và TG tăng.
IIb
B
Nếu TG vẫn chưa kiểm soát được bằng Statin hoặc Fibrate, có thể cho thêm Omega 3 vì nó cho thấy an toàn và dung nạp tốt dù hiệu quả còn khiêm tốn.
IIb
C
6. Điều trị rối loạn Lipid máu ở một số nhóm bệnh nhân
6.1. Rối loạn Lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường
Bảng 15. Khuyến cáo điều trị rối loạn Lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường
Khuyến cáo
Nhóm
Mức chứng cứ
Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 có vi đạm niệu hoặc có bệnh thận, dùng Statin để giảm LDL-C (ít nhất là 30%) là chọn lựa đầu tiên bất kể mức LDL-C ban đầu là bao nhiêu.
I
C
Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có BTM hoặc CKD, và ở những bệnh nhân >40 tuổi có thêm ≥1 YTNC tim mạch hoặc có dấu hiệu tổn thương cơ quan đích thì khuyến cáo mức LDL-C cần đạt là <70 mg/dl (1,8 mmol/l) và mục tiêu thứ hai là non-HDL-C là
<100 mg/dl (2,6 mmol/l) và cho Apo B là
<80 mg/dL.
I
B